Dược mỹ phẩm là một khái niệm không còn xa lạ trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp, đặc biệt với những làn da nhạy cảm. Xu hướng dùng dược mỹ phẩm ngày càng nở rộ, giúp mở ra cơ hội lớn cho người có ý định kinh doanh. Tuy nhiên việc bắt đầu từ đâu vẫn đang khiến nhiều người khởi nghiệp phân vân, nên chọn bán hàng ngoại nhập hay nội địa? Câu hỏi sẽ được giải quyết trong bài viết dưới đây.

Khái niệm về dược mỹ phẩm

Dược mỹ phẩm là mỹ phẩm được nghiên cứu, bào chế như một dược phẩm. Có công dụng chăm sóc, làm đẹp, điều trị gốc rễ những vấn đề mà dòng mỹ phẩm thông thường không thể làm được. Dược mỹ phẩm phải đạt được các chứng nhận về độ an toàn, cấp phép sản xuất, lưu hành từ các cơ quan chức năng, Bộ Y tế trong nước.

Nếu như trước đây đối tượng tiêu dùng của dược mỹ phẩm là khách hàng có làn da nhạy cảm, dễ kích ứng, thậm chí một số quốc gia chỉ bán dược mỹ phẩm khi có đơn thuốc của bác sĩ thì ngày nay cả những người có làn da khỏe mạnh cũng ưa dùng bởi sự lành tính của dòng sản phẩm này. Mặt hàng của dược mỹ phẩm rất đa dạng như sữa rửa mặt, kem chống nắng, kem dưỡng da, … với nhiều tính năng công dụng phù hợp với từng mức độ thương tổn của làn da.
Với những yếu tố như vậy, dược mỹ phẩm đang ngày càng trở thành mặt hàng được tín đồ làm đẹp “săn lùng”. Người có ý định kinh doanh cũng dễ dàng nhận biết đây là cơ hội tốt, nhưng phải hiểu được sản phẩm mình muốn bán thực sự là gì thì mới có thể thành công. Nhằm làm rõ điều này, trong phạm vi bài viết, dược mỹ phẩm được chia làm 2 loại: hàng ngoại nhập và hàng nội địa.

Thương hiệu ngoại nhập

Pháp là đất nước vốn rất nổi tiếng về các hãng dược mỹ phẩm êm dịu dành cho da thương tổn và nhạy cảm có thể kể đến như: La Roche-Posay, Avène, Bioderma, Vichy, … với những sản phẩm thậm chí đã trở thành tượng đài mà chưa có “đàn em” nào thay thế nổi: Cicaplast phục hồi và làm dịu da kích ứng, xịt khoáng Vichy Eau Thermale, tẩy trang Bioderma Sensibio H2O Solution Micellar, …

Nếu có ý định kinh doanh dược mỹ phẩm ngoại nhập, bạn nên biết:

  • Ưu điểm: Đáng tin cậy, chất lượng được đảm bảo từ quốc gia lớn. Đa dạng sản phẩm đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho từng loại da như kiềm dầu, chống bóng nhờn, dưỡng ẩm. Mỗi dòng lại chia ra làm nhiều loại kết cấu để lựa chọn như dạng kem, gel, fluid (sữa), dầu, thỏi, nén, xịt, … Hình thức bắt mắt, thương hiệu nổi tiếng.
  • Nhược điểm: Giá thành khá cao, ví dụ một chai gel rửa mặt 350ml giá khoảng 350.000 ~ 400.000 đồng, các sản phẩm trị mụn hay chăm sóc chuyên sâu sẽ còn có giá cao hơn. Ngoài ra, việc phải nhập hàng từ nước ngoài khiến tình trạng hàng nhái, hàng giả kém chất lượng cũng xuất hiện tràn lan dẫn đến việc khó khăn trong vấn đề lựa chọn nguồn hàng đảm bảo.
  • Đối tượng khách hàng: Người tiêu dùng có mức thu nhập khá trở lên, có khả năng chi trả chăm sóc làm đẹp thường xuyên.
  • Quản lý bán hàng: Với tính chất là hàng nhập, xách tay từ nước ngoài, bạn phải có bằng chứng thể hiện được nguồn gốc như giấy chứng nhận, hóa đơn, … Ngoài ra, việc quản lý hàng hóa theo mã số riêng, mã vạch trên sản phẩm cũng thuận tiện cho cả người bán và mua.

Thương hiệu nội địa

Nếu chỉ mải mê với các sản phẩm ngoại nhập thì có lẽ nhiều khách hàng đã không nhận ra được sự phát triển mạnh mẽ của dược mỹ phẩm nội địa. Những cái tên như kem nghệ Thái Dương, sữa rửa mặt Thorakao, gel trị mụn Vedette, kem trị nứt da chân Gót sen, … ngày càng quen thuộc hơn với người tiêu dùng dù rằng hình ảnh quảng bá chưa thực sự nổi trội. Việc những sản phẩm này vẫn “sống” và ngày càng phát triển đã cho thấy chất lượng thực sự tốt của các nhãn hiệu trong nước.

  • Ưu điểm: Chất lượng đảm bảo. Sản phẩm có thông tin ghi bằng tiếng Việt giúp người dùng nắm bắt rõ về nguyên liệu thành phần, nguồn gốc xuất xứ trong nước và lịch sử lâu năm của các thương hiệu tạo độ gần gũi, tin tưởng. Không lo hàng nhái, hàng giả bởi được sản xuất trực tiếp tại Việt Nam nên giá thành rất rẻ: chỉ vài chục nghìn đồng cho một sản phẩm có chất lượng tốt.
  • Nhược điểm: Quảng bá hình ảnh còn nghèo nàn, mẫu mã bao bì chưa bắt mắt, hạn chế chủng loại sản phẩm (vẫn chỉ là sản phẩm nhỏ lẻ mà không có bộ sản phẩm theo quy trình từng bước chăm sóc, hay chưa đa dạng yếu tố thành phần cho từng loại da).
  • Đối tượng khách hàng: Người tiêu dùng có mức thu nhập trung bình, ưa dùng hàng Việt Nam.
  • Quản lý bán hàng: Với đặc trưng là sản phẩm được sản xuất trong nước, bạn nên quản lý hàng hóa theo chủng loại, cũng có mã số riêng giúp tìm hàng nhanh chóng và thuận tiện tư vấn cho khách hàng.

Một vài mẹo kinh doanh dược mỹ phẩm

Thực tế, dược mỹ phẩm ngoại nhập và nội địa đang có những phân khúc khách hàng khác nhau, dẫn tới quyết định kinh doanh ở mặt hàng nào là tùy vào sở thích và điều kiện của người muốn khởi nghiệp. Một vài mẹo nhỏ dành cho bạn nếu muốn dấn thân vào con đường này là:

  • Hãy kết hợp các sản phẩm chăm sóc theo bộ, quy trình từng bước hay combo. Ví dụ khách hàng da mụn có nhu cầu mua sữa rửa mặt, hãy giới thiệu thêm các loại kem dưỡng da có thể dùng sau bước rửa mặt đó giúp phục hồi làn da nhanh hơn; hoặc bạn có sản phẩm tồn hãy tạo combo mua kèm với sản phẩm đang nổi nhằm đẩy hàng đi nhanh hơn.
  • Lựa chọn đơn vị gia công mỹ phẩm uy tín chất lượng. Điều này vô cùng quan trọng vì để gia công kem body hay các sản phẩm làm đẹp khác cần đảm bảo sự an toàn, tính hiệu quả. Vì vậy, đơn vị gia công chất lượng và đạt chuẩn đóng vài trò quan trọng giúp cho thương hiệu mỹ phẩm phát triển lâu dài về sau.
  • Hình thức bán hàng: Đừng nghĩ rằng chỉ việc chọn bán tại nhà hay mở cửa hàng là xong, lựa chọn hình thức nào thì bạn cần có dịch vụ đi kèm cho hình thức đó. Ví dụ mở cửa hàng thì có máy soi da hay hàng mẫu để khách thử trực tiếp, bán online thì nên đi kèm dịch vụ miễn phí vận chuyển.
  • Quản lý bán hàng: Phần mềm quản lý bán hàng là một công cụ đắc lực giúp bạn quản lý số lượng hàng hóa hiệu quả, tránh 30% tình trạng thất thoát, giảm thiểu chi phí nhân viên, tiết kiệm thời gian, luôn nhận được cập nhật chính xác về doanh thu dù không có mặt trực tiếp.